Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

Cách tìm nhị thập bát tú trị niên, trị ngoạt, trị nhật.

Trước tiên ta phải ghi nhớ tên gọi tắc của 28 vì sao này theo thứ tự phân chia theo 7 nhóm là:
Mộc….…..Kim………Thổ………Nhật………Nguyệt………Hỏa………Thủy………
1/ Giác.….2/ Can……3/Đê……..4/ Phòng….5/ Tâm……….6/Vĩ ………7/ Cơ……...
8/ Đẩu……9/ Ngưu….10/ Nữ…...11/ Hư……12/ Nguy…….13/ Thất…..14/Bích…..
15/Khuê…16/ Lâu…..17/ Vị……18/ Mão….19/ Tất……….20/ Chủy…...21/ Sâm….
22/ Tỉnh….23/ Quỷ….24/ Liễu…25/ Tinh…..26/ Trương….27/ Dực…….28/ Chẩn…
A) Trị niên: Muốn tìm năm nào đó có sao nào chiếu ta làm như sau:
- Lấy năm dương lịch hiện hành (năm muốn xem) cộng thêm 15 rồi chia cho 28, số dư chính là số của sao ấy.
- Ví dụ: Năm 1990 có sao nào chiếu?
Ta lấy  (1990 + 15): 28 = 71 dư ra 17. Vậy số 17 tương ứng với sao Vị Thổ Trĩ.
B) Trị ngoạt: Khi đã biết sao trị niên rồi, muốn biết tháng đó có sao nào chiếu, ta làm như sau:
- Nhóm sao Mộc: khởi tháng giêng tại sao Tâm rồi theo thứ tự tính tiếp đến tháng chạp.
- Nhóm sao Kim: khởi tháng giêng tại sao Vị rồi theo thứ tự tính tiếp đến tháng chạp.
- Nhóm sao Thổ: khởi tháng giêng tại sao Giác rồi theo thứ tự tính tiếp đến tháng chạp.
- Nhóm sao Nhật: khởi tháng giêng tại sao Thất rồi theo thứ tự tính tiếp đến tháng chạp.
- Nhóm sao Nguyệt: khởi tháng giêng tại sao Tinh rồi theo thứ tự tính tiếp đến tháng chạp.
- Nhóm sao Hỏa: khởi tháng giêng tại sao Ngưu rồi theo thứ tự tính tiếp đến tháng chạp.
- Nhóm sao Thủy: khởi tháng giêng tại sao Sâm rồi theo thứ tự tính tiếp đến tháng chạp.
Ví dụ: Tháng 4/1990 có sao nào chiếu?
Sau khi đã tìm được năm 1990 có sao Vị chiếu, mà sao này thuộc nhóm sao Thổ nên khởi tháng giêng tại sao Giác, tháng hai tại sao Can, tháng ba tại sao Đê, tháng tư tại sao Phòng. Vậy tháng 4/1990 có sao Phòng chiếu.
C) Trị nhật: Vì một chu kỳ có 7 sao, ứng với một tuần lễ dương lịch là 7 ngày nên từng nhóm sao luôn cố định với thứ ngày trong tuần. Cụ thể là:
- Nhóm sao Nhật luôn cố định tại ngày Chủ nhật
- Nhóm sao Nguyệt luôn cố định tại ngày thứ Hai
- Nhóm sao Hỏa luôn cố định tại ngày thứ Ba
- Nhóm sao Thủy luôn cố định tại ngày thứ Tư
- Nhóm sao Mộc luôn cố định tại ngày thứ Năm
- Nhóm sao Kim luôn cố định tại ngày thứ Sáu
- Nhóm sao Thổ luôn cố định tại ngày thứ Bảy
Biết là vậy nhưng mỗi nhóm có 4 sao, muốn biết cụ thể sao nào chiếu ta phải dùng phương pháp khác dễ hơn, Đó là lấy mốc sao chiếu trước ngày 01/01/2000 dương lịch là sao Giác, từ mốc này ta tìm được sao trị nhật ta muốn xem trước đây hoặc sau này.mà không cần mò mẫm theo lịch.
Ví dụ: Ngày 22/5/2018 có sao nào chiếu?
Cách tính: Số ngày từ 01/01/2000 đến ngày 22/5/2018 là: [(2018 – 2000)365 + 5 + 16 +142]: 28 = 240 có số dư là 13. Số 13 là sao Thất Hỏa Trư.
Ghi chú: Trong phép toán nêu trên có:
- Số 5 là 5 ngày tăng thêm của 5 năm nhuận kể từ năm 2000 đến 2018.
- Số 16 là số ngày sao Giác trị nhật trước ngày 1/1/2000.(số cố định)
- Số 142 là số ngày từ đầu năm 2018 đến ngày 22/5/2018.

Các trường hợp khác cứ thế mà suy.

Cách tìm cung phi Bát Trạch và cung Bát Tự nhanh nhất

1/Tìm cung phi Bát Trạch:
*/ Đọc theo thứ tự  thành hình tròn như vầy: 1 Khảm → 2 Khôn → 3 Chấn → 4 Tốn → 5 Trung → 6 Càn → 7 Đoài → 8 Cấn → 9 Ly→ 1 khảm …
(trong đó cung 5 Trung: nếu là nam thì tính là Khôn, nếu là nữ thì tính là Cấn)
*/ Gọi A là số tổng các số hạn của năm dương lịch hiện hành nếu số này lớn hơn 9 thì phải trừ 1 hay nhiều lần 9, sao cho A < / = 9  (nhỏ hơn hoặc bằng 9)
*/ Gọi B là tổng số hạn của tuổi mụ của một người nào đó, nếu số này lớn hơn 9 thì phải trừ 1 hay nhiều lần 9, sao cho A < / = 9  (nhỏ hơn hoặc bằng 9). (tuổi mụ = năm hiện hành – năm sinh + 1. Còn đối với những người sinh trước công nguyên thì cách xác định tuổi mụ không cộng thêm 1. Vậy: tuổi mụ = năm hiện hành (sau CN) + năm sinh (trước CN)
*/ Lấy kết quả của A làm số khởi điểm (nam khởi tại 1 Khảm, nữ khởi tại 5 Trung). Khởi từ số A đến số B,(nếu số A > B thì lấy số A lùi lại số B, ví dụ A= 6, B= 3 thì tính từ 6 -> 5 -> 4 -> 3. Nếu số A < B thì lấy số A tính đến số B, ví dụ A= 2, B = 8 thì tính từ 2 -> 3 -> 4 ->...-> 8).
*/ Nếu A = B thì cung khởi chính là cung phi Bát Trạch của người đó (nam Khảm, nữ Cấn)
*/ Nếu A < B thì nam khởi thuận, nữ khởi nghịch. Nếu A > B thì nam khởi nghịch, nữ khởi thuận. Rơi tại cung nào thì đó là cung phi Bát Trạch của người ấy.
*/ Phương pháp này bất luận người sinh trong vòng thượng nguyên, trung nguyên hay hạ nguyên.
Ví dụ cụ thể:  Năm 1863, vợ chồng ông Bụt có số tuổi mụ là 1210t, hỏi ông cung gì, bà cung gì?
Cách tính:
+ Tổng số hạn của năm 1863 = A = 1+8+6+3 = 18 => A = 9.
+ Tổng số hạn của tuổi 1210  = B = 1+2+1+0 = 4   => B = 4
+ Ta thấy  A > B nên nam khởi nghịch, nữ khởi thuận. Ông Bụt khởi 9 tại 1Khảm, 8 tại 9Ly, 7 tai 8Cấn, ….. 4 tại 5Trung. Vậy ông này có cung phi Bát trạch là Khôn. Bà Bụt khởi 9 tại 5Trung, 8 tại 6Càn, 7 tại 7Đoài …… 4 tại 1Khảm. Vậy bà này có cung phi Bát Trạch là Khảm.
2/ Tìm cung phi Bát Tự:
Đối với nữ giới, cung phi Bát Tự giống như cung phi Bát Trạch, nghĩa là cung phi Bát Trạch là Khảm thì cung phi Bát Tự cũng là Khảm, cung phi Bát Trạch là Càn thì cung phi Bát Tự cũng là Càn……
Đối với nam giới, khi đã biết cung phi Bát Trạch rồi thì ta chỉ việc cộng thêm 6 cung nữa là sẽ có kết quả. (nếu kết quả lớn hơn 9 thì phải trừ đi 9)
Ví dụ cụ thể:
a) Người nam có cung Bát Trạch là Khôn (5) , ta cộng 6 cung nữa: 5 + 6 = 11. Vì số 11 > 9 nên ta phải trừ đi 9, tức là 11 – 9 = 2. Số 2 là cung Khôn.
b) Người nam có cung phi Bát Trạch là Cấn (8 Cấn), ta cộng thêm 6 cung nữa: 8 + 6 = 14. Vì số 14 > 9 nên phải trừ đi 9, tức là 14- 9 = 5. Vậy người này có cung phi Bát Tự là Khôn (5)
Đại loại là khi đã biết cung phi Bát trạch rồi thì ta chỉ việc tính tiếp tục đến 6 cung nữa (theo chiều kim đồng hồ), rơi tại cung nào thì cung ấy chính là cung Bát Tự của người ấy.
Ví dụ tổng quát:  Lấy mốc năm 2018. Người sinh năm 10 trước CN, tìm cung Bát Trạch và cung Bát Tự của mỗi tuổi nam và nữ?
Cách tính: Những người này có số tuổi tính đến năm 2018 là:  2018 + 10 = 2028t. Ta có B = 3.
Năm 2018 có tổng các số hạn là : A = 2 + 0 + 1 + 8 = 11. Ta có A = 2.
Vì A < B nên nam khởi thuận, nữ khởi nghịch. Người nam  khởi 2 tại 1Khảm, 3 tại 2Khôn, người này có cung phi Bát Trạch là Khôn và cung phi Bát Tự là 2+6 = 8 tức là Cấn.
Người nữ khởi 2 tại 5Trung, 3 tại 4Tốn. Vậy người nữ có cung phi Bát Trạch và Bát Tự là Tốn.

Các trường hợp khác cứ thế mà suy.

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

XEM TUỔI XÂY MỘ PHẦN CHO NGƯỜI QUÁ CỐ


Theo tập quán của dân ta, tang táng là một sự kiện trọng đại thứ 3 sau hôn nhân, kiến tạo gia ốc. Đã có nhiều tác giả viết nhiều tác phẩm nói về chủ đề này, mỗi người mỗi ý khác nhau. Sự thật cũng rất khó thống nhất vì tập quán, quan điểm của người dân mỗi vùng miền, mỗi thời đại đều khác nhau… Thế nhưng có một nỗi băn khoăn chung cho những ai thực sự quan tâm đến vấn đề này, đó là khi hữu sự thì cần phải tránh tuổi nào, ai làm tang chủ, ai được tuổi đứng ra xây cất mồ mả, sửa chữa bia mộ, cải táng v.v.. cho người thân đã quá cố?
Một phương pháp rất đơn giản giúp mọi người tìm ra được những tuổi ấy, đó là:
- Lấy các tuổi trong một lục thập hoa giáp xếp thành một vòng tròn từ Giáp Tý đến Quý Hợi.
- Lấy năm hiện hành kể là 1 rồi theo chiều kim đồng hồ tiếp tục cộng 9 rơi tại cung nào kể cung ấy là tuổi kiêng kỵ thứ nhất, tiếp tục cộng 9, sau 6 lần cộng ta được 6 tuổi phải kiêng kỵ trong năm đó. (Sau 6 lần cộng 9 tức là ta đã vượt qua 54 cung, còn lại 6 cung không đủ cho phép cộng 9 nữa cho nên chỉ được 6 tuổi kiêng kỵ trong một vòng hoa giáp mà thôi).
Ví dụ: Năm Giáp Ngọ (2014) những tuổi nào phải kiêng kỵ? (nhớ tính từ tiết Lập Xuân đến hết tiết Đại Hàn mới đúng).
 Lấy cung Giáp Ngọ kể là cung thứ nhất,
- Cộng thêm 9 cung ta được tuổi thứ nhất là Quý Mẹo. Tiếp tục
- Cộng thêm 9 cung ta được tuổi thứ hai là Nhâm Tý. Tiếp tục    
- Cộng thêm 9 cung ta được tuổi thứ ba là Tân Dậu. Tiếp tục    
- Cộng thêm 9 cung ta được tuổi thứ tư là Canh Ngọ. Tiếp tục    
- Cộng thêm 9 cung ta được tuổi thứ năm là Kỷ Mẹo. Tiếp tục    
- Cộng thêm 9 cung ta được tuổi thứ sáu là Mậu Tý. Đủ 6 lần cộng, không tiếp tục được nữa.
Vậy năm Giáp Ngọ có 6 tuổi phải kiêng kỵ là Quý Mẹo, Kỷ Mẹo, Nhâm Tý, Mậu Tý,Tân Dậu và Canh Ngọ.
Các năm khác cứ thế mà suy.
- Thử hỏi:  Phương pháp này căn cứ vào đâu, đáng tin cậy hay không?
- Trả lời : Phương pháp này dựa vào Thái Tuế áp, tin hay không là do mỗi người. Vì người xưa không giải thích rõ ràng khiến cho hậu nhân không biết đâu mà lần. Rất nhiều thầy hiểu sai nên đã áp dụng không đúng, gây tai hại cho thân chủ của mình mà không biết. Có thầy lấy tuổi của vong nhân để tính, có thầy lấy tuổi của con trai trưởng để tính, có thầy thì lấy tuổi của người nào trong thân tộc (của vong nhơn) không phạm Kim Lâu, Hoang Ốc, Tam Tai để đứng ra lo liệu … Rất là sai lầm. Bởi vì:
- Nếu lấy tuổi vong nhân để tính thì người chết đội mồ lên để chỉ đạo thợ xây xây mộ cho họ à? Đấy là sai lầm thứ nhất!
- Nếu lấy tuổi con trai tưởng để tính thì chẳng may tuổi con trai trưởng ấy còn quá nhỏ hoặc phạm vào những tuổi kiêng kỵ thì sao? Đấy là sai lầm thứ hai!
- Nếu lấy tuồi của người nào trong thân tộc của vong nhơn không phạm Kim Lâu, Hoang Ốc,Tam tai để đứng ra lo liệu (như xem tuổi làm nhà) thì chẳng lẽ người nào đó đứng ra xây mộ cho chính mình hay sao, bởi vì tránh tuổi Kim Lâu, Hoang Ốc, Tam tai là nhằm để làm nhà cho mình ở chứ đâu phải để làm mộ cho mình hoặc để xây mộ cho vong nhân. Đấy là sai lầm thứ ba!
- Còn nhiều cách nữa nhưng nó mang tính vụn vặt, không đáng nêu ở đây.
Nay tôi lý giải điều này như sau:
Theo phương pháp trên, ta thấy phép cộng  9 đó là một chu kỳ của cửu tinh, các tuổi kiêng kỵ luôn luôn ở vị trí thứ 10, 19, 28, 37, 46, 55 so với năm hiện hành (ở vị trí thứ nhất). Rõ ràng các số vừa nêu đều có chung một số đại biểu của số Lạc Thư là 1, (giống như con số 1 trong phép tính tuổi Kim Lâu) nó ứng với Thái Tuế vậy! Cho nên phương pháp tôi nêu ở đây là nhất nhất phải dựa vào năm hiện hành để tính toán, tìm ra tuổi kiêng kỵ khi hữu sự tang táng, sửa chữa xây mồ mả, kim tỉnh… đẳng sự. Riêng việc mộ chôn hướng nào, tọa ở đâu, hốt cốt dời mả được hay không thì tôi không lạm bàn ở đây vì nó còn liên quan đến nhiều yếu tố khác nữa (Ví dụ như lý khí, loan đầu,tọa sát, hướng sát, mộ kết hay không kết…)

Kèm theo hình để dễ tính toán.





















Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Bổ sung cho sách Kim Oanh Ký 2

1/BÀI CỬU TINH CHẾ PHỤC CÓ SAI SÓT?

Sách Kim Oanh Ký 2 của Cụ Thái Kim Oanh – trang 22 – viết rằng:
Nguyên văn:                    “Sanh Khí giáng Ngũ Quỷ
                                           Thiên Y chế Tuyệt Mạng
                                           Diên Niên yểm Lục Sát
                                           Chế phục an bài định”

Ta thấy có ba sao tốt lá Sanh Khí, Thiên Y, Diên Niên chế ba sao xấu là Ngũ Quỷ, Tuyệt Mạng, Lục Sát; còn sao Phuc Vị có trừ được Họa Hại không? Tại sao không thấy Cụ nói năng gì? Có thể là sách in sót? Tôi khẳng định rằng không! Thế nhưng điều này được Tống Thiều Quang – tác giả cuốn sách: “Phong thủy đia lý toàn thư ” – trang 181 – cho rằng Phục Vị trừ được Họa Hại nhưng không có lời giải thích nào.Có thể ông ta cho rằng phái Bát Trạch có 4 sao tốt và 4 sao xấu,như trên đã nêu 3 sao tốt chế phục 3 sao xấu rồi thì còn lại sao Phục Vị hiển nhiên sẽ chế phục được sao Lộc Tồn. Tôi nghĩ rằng đây là lối võ đoán, không đúng! Tôi xin lý giải như sau:

       Về Cửu tinh (9 sao) thì phái Bát trạch và phái Huyền Không đều có. Cụ thể:
- Phái Bát Trạch: Sanh Khí thuộc sao Tham lang, dương Mộc
                            Thiên Y thuộc sao Cự Môn, dương Thổ
                            Diên Niên thuộc sao Vũ Khúc, dương Kim
                            Phục Vị thuộc Tả phụ+ Bồ Chúc, âm Thủy
                            Ngũ Quỷ thuộc sao Liêm Trinh, âm Hỏa
                            Tuyệt Mạng thuộc sao Phá Quân, âm Kim
                            Lục Sát thuộc sao Văn Khúc, dương Thủy
                            Họa Hại thuộc sao Lộc Tồn, âm Thổ
- Phái Huyền Không phi tinh:
       + Nhất Bạch thuộc sao Tham Lang, hành Thủy
       + Nhị Hắc thuộc sao Cự Môn, hành Thổ
       + Tam Bích thuộc sao Lộc Tồn, hành Mộc
       + Tứ Lục thuộc sao Văn Khúc, hành Mộc
       + Ngũ Huỳnh thuộc sao Liêm Trinh, hành Thổ
       + Lục Bạch thuộc sao Vũ Khúc, hành Kim
       + Thất Xích thuộc sao Phá Quân, hành Kim
       + Bát Bạch thuộc sao Tả Phụ, hành Thổ
       + Cửu Tử thuộc sao Hữu Bật, hành Hỏa

- Nhận xét:
       + Về Ngũ hành các sao giữa hai phái có khác nhau như ngũ hành sao Tham lang, sao Lộc Tồn, Văn khúc, sao Liêm Trinh, sao Tả Phụ, Bồ Chúc; chỉ có 3 sao là Cự Môn, Vũ Khúc, Phá Quân là giống nhau. Vậy thì ta tin thuyết của phái nào?
       + Về sao tốt, sao xấu và mức độ tốt xấu của nó giữa 2 phái cũng có quan điểm khác nhau. Phái Bát Trạch phân định rạch ròi là Tham Lang, Cự Môn thượng kiết; Vũ Khúc, Tả Phụ, Bồ Chúc thứ kiết; Liêm Trinh, Phá Quân đại hung; Văn Khúc, Lộc Tồn thứ hung. Trong khi đó phái Huyền Không thì phân định ý nghĩa tốt xấu từng sao tùy theo vận. Đương vận thì tốt, thất vận thì xấu; sao đương vượng, sao tiến khí thì tốt, sao thoái khí, suy khí, tử khí thì xấu.
Trước bối cảnh này nếu ta lấy lý thuyết phái Huyền Không để biện bạch thì sẽ bị phái Bát Trạch “tự ái” . Vì đây là “chuyện riêng” của phái Bát Trạch. Như vậy  ta phải dựa theo lý thuyết  của Bát trạch để lý giải sẽ dễ được chấp thuận hơn.
       Theo ngũ hành của Cửu tinh ở phái Bát Trạch sắp xếp ta thấy ngũ hành của ba sao tốt sinh ra ngũ hành của 3 sao xấu. Cụ thể là sao Sanh Khí Tham Lang dương Mộc sinh cho sao Ngũ Quỷ Liêm Trinh âm Hỏa; sao Thiên Y Cự Môn dương Thổ sinh cho sao Tuyệt Mạng Phá Quân âm Kim; Diên Niên Vũ Khúc dương Kim sinh cho sao Lục Sát Văn Khúc dương Thủy. Cách sắp xếp này cho ta một suy luận rằng: Một người nào đó day cửa phạm hướng xấu, sẽ bị những điều xấu đưa đến cho gia đình, nhưng khi quay miệng lò bếp theo hướng tốt theo bài “Cửu Tinh chế phục” thì sẽ sinh ra những điều tốt đẹp bù trừ được những điều xấu đã đề cập. Cũng có thể nhìn nhận tinh ý ở đoạn này là phạm hướng xấu hoặc được hướng tốt đều thông qua tuổi chủ nhà mà ra chứ không phải tự nhiên sao bay đến để chế ngự lẫn nhau. Táo vi nội, môn vi ngoại (Bếp ở trong nhà, cửa ở ngoài). Những hướng tốt của lò bếp sinh cho những hướng xấu của cửa, hàm ý là khí lực trong nhà mạnh hơn ở ngoài cho nên được tốt đẹp.
       Riêng sao Phục Vị Tả Bồ âm Thủy không thể sinh ra sao Họa Hại Lộc Tồn âm Thổ mà ngược lại bị Lộc Tồn khắc chế. Vì vậy cho nên bài “Cửu tinh chế phục” nêu trên không đưa trường hợp của sao Phục Vị Tả Bồ và sao Họa Hại Lộc Tồn vào chứ không phải Cụ Thái Kim Oanh bỏ sót. Theo tôi, để giải sao Họa Hại Lộc Tồn âm Thổ thì dùng sanh khí Tham lang dương Mộc chắc chế vẫn tốt (Nghĩa là phải day miệng lò sang hướng Sanh Khí ). Cứ theo sách của Cụ Thái Kim Oanh tôi lý giải như thế, nếu quý bạn tìm được ở bộ sách nào khả tín ( ở phái Bát Trạch) có đề cập đến ngũ hành của sao Phục Vị Tả Bồ thuộc hành Hỏa thì tôi nhất trí rằng Phục Vị trừ đặng Họa Hại, còn không thì thôi.
       (Tôi cũng có đọc sách Bát Trạch Minh Cảnh của Dương Quân Tùng trang 144 xác định Phục Vị Tả Phù thuộc Mộc. Sách “Thẩm Thị Huyền Không Học” của Thẩm Thúc Nhưng, trang 163, cũng nói Phục Vị có ngũ hành là Dương Mộc. Còn trong Tử vi Hàm Số của Nguyễn Phát Lộc, trang 346 thì ngũ hành cả hai sao Tả Phụ + Hữu Bật đều là Thổ. Riêng cái tên “Bồ Chúc” thì thuộc hành gì, nó là đại biểu của sao nào trong cửu tinh thì không thấy sách nào nhắc đến. Dù hai cuốn sách phong thủy nói trên xác định Phục Vị là hành Mộc nhưng tôi không tin tưởng vì nhóm hậu học không có những phiên bản gốc mà chỉ sao chép từ những sách đã bị sai, lâu ngày thành lệ.
       Tôi tìm hết trong sách Kim Oanh Ký 2 để xem Cụ biên tập có sự sai lệch gì về ngũ hành của sao Phục Vị hay không nhưng rất ít thấy Cụ nhắc đến “Phục Vị ”. Tôi suy từ các đồ hình minh họa ở trang 41- 48 thấy Cụ đều xác nhận ngũ hành của sao Phục Vị là âm Thủy. Duy chỉ có ở trang 21, mục “Niên ngoạt kiết hung ứng” Cụ trích dẫn “Sanh Khí, Bồ Chúc, Hợi Mẹo Mùi, hai vị này ứng năm và tháng Hợi Mẹo Mùi”. Khi nhắc đến Hợi Mẹo Mùi tức thị nó là hành Mộc. Nhưng hành Mộc vẫn được Thủy tương sinh (Thủy sinh Mộc ), vẫn tương ứng với lý thuyết. Đến trang 53 ở dòng cuối cùng, Cụ trích dẫn “Hiệp Phục Vị Bồ Chúc Thủy tinh đặng tiểu phú, ngày ngày có tiểu tài tấn ích, phát giàu, ứng tại Hợi Mẹo Mùi niên ngoạt ” và trang 77 Cụ trích dẫn “chỉ luận táo khẩu hướng, 3 phương kiết vi nghiễm” (chỉ luận hướng miệng lò, 3 phương tốt là nghiêm túc). Như thế đã quá rõ ràng. Tôi nghĩ rằng đồ hình minh họa từ trang 41 đến trang 48 trong sách Kim Oanh ký 2 là từ sở học của Cụ mà ra, còn câu trích dẫn ở trang 21 là Cụ dựa vào sách cũ. Mà ta biết rằng trong sách cũ có lắm điều rắc rối. Hơn nữa Cụ đã tổng hợp 3 bộ Bát Trạch Minh Cảnh để viết nên bộ sách này,chắc chắn Cụ đã chỉnh lý. Xét về tuổi tác, sở học  của Cụ và thời điểm lịch sử, tôi tin tưởng hình đồ minh họa của Cụ hơn, nghĩa là tôi xác nhận ngũ hành của sao Phục Vị Tả Bồ là âm Thủy chứ không phải nó là hành Mộc, Hỏa, Thổ gì cả).
Vậy bài “Cửu tinh chế phục”  không có gì sai sót!

2/ Bài Môn Lầu Ngọc Bối Kinh cần chỉnh sửa.

Nguyên văn: “Càn Tuất Hợi sơn tùng “Tỵ” khởi
                        Khảm Quý Nhâm địa hướng “Thân” cầu
                        Đoài Canh Tân vị Phòng “Xà” tẩu
                        Khôn Mùi Thân sơn “Giáp” thượng tầm  
                        Ly Bính Đinh vị thị “Hổ” đầu
                        Tốn Tỵ Long thân “Hầu” vi thủ
                        Sửu Cấn Dần sơn phùng “Hợi” vị
                        Chấn Mão Ất vị hướng “Trư” du
                        Bát Quái Trường Sinh khởi Phước Đức
                        Vô nghĩa chi nhân bất khả cầu”

Phần ghi chú của soạn giả Thái Kim Oanh: “Các bộ Bát Trạch Minh Cảnh khởi Phước Đức đúng 3 cung Càn Khảm Cấn mà thôi, còn 5 trạch nọ khác nhau nên soạn giả an theo bài của Môn Lầu Ngọc Bối Kinh trên đây”.
Theo ghi chú của soạn giả, ta nhận thấy ngay giữa các bộ sách nói về cung khởi Phước Đức đã không nhất quán. Riêng trong bài này tôi thấy vẫn có một vài sự nhầm lẫn hoặc là do sao chép hoặc là do người đánh văn bản gây ra… khiến cho người dụng sự lúng túng khi nghiên cứu đến việc an môn. Theo ý của câu thứ 9 “Bát Quái Trường Sinh khởi Phước Đức” nghĩa là cung khởi Trường Sinh chính là cung khởi Phước Đức rồi từ đó tính thuận tiếp đến 23 sơn còn lại (24 sơn hướng đã nêu trên la bàn chuyên dùng). Có 4 cung khởi Trường Sinh gọi là tứ sinh là Dần Thân Tỵ Hợi; tứ vượng là Tý Ngọ Mẹo Dậu; tứ mộ là Thìn Tuất Sửu Mùi và tứ tuyệt cũng là Dần Thân Tỵ Hợi (cho nên trong “Tứ Thủy Tràng Sinh pháp”- sách địa lý Tả Ao tiên sinh- có cách- “Tuyệt xứ phùng Sinh” là vậy). Tùy theo ngũ hành của Cục có Mệnh, Cung, Can, Chi thuộc hành gì thì sẽ có cung khởi Trường Sinh, Cụ thể:
- Hành Thủy, Thổ khởi Tràng Sinh tại cung Thân
- Hành Mộc khởi Tràng Sinh tại cung Hợi
- Hành Hỏa khởi Tràng Sinh tại cung Dần
- Hành Kim khởi Tràng Sinh tại cung Tỵ
Như vậy ta thấy câu 1, 2, 3, 5, 8 của bài Môn Lầu Ngọc Bối Kinh là đúng cách khởi Tràng Sinh, còn lại câu 4, 6, 7 đều sai! Tại vì:
- Câu 4 “Khôn Mùi Thân” tức quẻ Khôn thuộc hành Thổ, mà hành Thổ thì khởi Tràng Sinh tại Thân. Trong bài này nói  khởi tại “Giáp” là sai (có thể người xưa do sao chép, nét chữ mờ nhạt nên nhầm chữ Thân qua chữ Giáp )
- Câu 6 “Tốn Tỵ Long” thuộc quẻ Tốn thuộc hành Mộc, mà hành Mộc thì khởi Tràng Sinh tại Hợi. Trong bài này nói khởi “Hầu” là sai (Hầu nghĩa là con khỉ ứng với cung Thân)
- Câu 7: “Sửu Cấn Dần” thuộc quẻ Cấn thuộc hành Thổ, mà hành Thổ khởi Tràng Sinh tại Thân. Trong bài này nói khởi tại “Hợi” là sai.
(Có thể người đánh văn bản đánh nhầm chữ từ câu trên xuống câu dưới và ngược lại)
Đề nghị chúng ta nên mạnh dạn chỉnh sửa lại cung khởi Trường Sinh Phước Đức đúng như tôi đã phân tích. Nghĩa là câu 4 và câu 7 khởi Tràng Sinh tại Thân, câu 6 khởi Tràng Sinh tại Hợi

Ghi chú: Việc nhầm lẫn, sai lêch từ nhiều nguyên nhân… không ít thì nhiều sách nào cũng đều mắc phải. Nhân tiện tôi cũng đưa ra một vài sự nhầm lần tương tự như trong trường hợp này. Đó là
- Trường hợp I: Sách Bát Tự Lữ Tài của Cụ Thái Kim Oanh và Ngọc Hạp Chánh Tông của thầy Viên Tài Hà Tấn Phát in nhầm ngày có Thiên Đức trong tháng 11 Âm lịch là ngày Kỷ. Kì thật chính xác của nó là ngày Tỵ (vì người ta nhầm chữ Tỵ thành chữ Kỷ ). Bởi vì ta biết rằng trong mỗi mùa  có 3 tháng: tháng đầu là Mạnh, tháng giữa là Trọng, tháng cuối là Quý. Như vậy trong 1 năm, tháng Mạnh là tháng 1, 4, 7, 10 ; tháng Trọng là tháng 2, 5, 8, 11 ; tháng Quý là tháng 3, 6, 9, 12. Theo cách bố trí ngày có Thiên Đức trong sách thì tháng 2 là ngày Thân, tháng 5 ngày Hợi, tháng 8 ngày Dần. Thử hỏi lý do gì mà ngày có Thiên Đức ở tháng 11 không phải ngày Tỵ mà bảo là ngày Kỷ. Tôi xin nhắc lại ngày Dần Thân Tỵ Hợi là Nhân nguyên thì phải sắp xếp nó ứng với tháng Trọng mới đúng, không thể thay thế chữ Tỵ thành chữ Kỷ.
- Trường hợp II: Cũng trong sách Ngọc Hạp Chánh Tông của thầy Viên Tài Hà Tấn Phát nói về ngày Sát Chủ rằng tháng 7 ÂL Sát chủ ngày Hợi, tháng 8 ÂL Sát chủ ngày Sửu. Đây là sự nhầm lẫn do lỗi người đánh văn bản trước đây. Tôi xin sửa lại là tháng 7 ÂL Sát chủ ở ngày Sửu, tháng 8 ÂL Sát chủ ở ngày Hợi. Điều này rất ứng với 2 câu thơ tìm ngày Sát chủ được trích trong Bát Tự Lữ Tài, trang 6 của Cụ Thái Kim Oanh: “loài Kim Ngưu” lên non “thất” trấn, viện Trư đầu xuống đánh “bát” quan”.
Còn nhiều trường hợp khác nữa nhưng vì để khỏi bị tản mạn, tôi xin tạm dừng và trở lại với chủ đề chính
.
3/ Xác định tọa trạch hay hướng trạch để an môn

Nắm vững ý tưởng của bài Môn Lầu Ngọc Bối Kinh rồi nhưng vẫn có người thắc mắc về cách áp dụng của Cụ Thái Kim Oanh khi Cụ đưa lên đồ hình bát quái về cách an môn trong 8 trạch. Nếu lấy lý luận của Cụ ở mục “thêm rộng nghĩa” (trang 39 sách đã dẫn) để so sánh với đồ hình đã nêu thì thấy có sự khác biệt (tôi không biết đăng hình lên mạng nên chỉ diễn giải bằng lời, các bạn nên xem trong sách của Cụ từ trang 41 đến 48 sách đã dẫn). Xin trích nguyên văn lời Cụ nói: “Muốn biết rõ kiết hung họa phúc, phải biết chủ nhà ấy Cung gì? Sẽ đặt la bàn (địa bàn, boussole) chính giữa nhà ấy, tức là đặt ngay chính giữa cây đòn dông, cây kim la bàn luôn luôn chỉ hướng chánh Bắc, tất bạn biết đặng ngôi nhà ấy trạch gì. Giả như nhà ấy day cửa hướng Nam là nhà trạch Ly (hướng Nam là hướng Ly) hoặc day hướng Đông Bắc là hướng Cấn là nhà ấy trạch Cấn” (hết trích).
- Lấy ví dụ Cụ thể trường hợp nhà trạch Càn theo Cụ giảng giải là nhà day cửa hướng Tây Bắc (đồ hình trang 41). Theo bài Môn Lầu Ngọc Bối Kinh thì hễ nhà trạch Càn (Tuất Càn Hợi) thì khởi Tràng Sinh Phước Đức tại Tỵ. Nhưng khi so sánh với đồ hình minh họa trạch Càn của Cụ thì thấy cung khởi Tràng Sinh Phước Đức tại Thân.
- Tương tự nhà trạch Khảm (đồ hình trang 42) nhà day cửa hướng Bắc, theo bài Môn Lầu Ngọc Bối Kinh phải khởi Tràng Sinh Phước Đức tại Thân nhưng đồ hình minh họa trạch Khảm lại thởi Tràng Sinh Phước Đức  tại Dần.
- Các trạch còn lại cứ thế mà suy…
            Như vậy sự thắc mắc của nhiều người như tôi đã nêu là có cơ sở. Thế nhưng xét cho tường tận thì tại vì  họ không chú ý đến nguyên tắc cơ bản của phái Bát trạch là lấy Tọa làm chính chứ không phải lấy hướng làm chính. Toàn bộ 8 đồ hình minh họa của Cụ từ trạch Càn đến trạch Đoài Cụ đều lấy Tọa trạch để khởi Tràng Sinh Phước Đức, thế nhưng các cung khởi Phước Đức thì Cụ vẫn áp dụng nguyên văn bài Môn Lầu Ngọc Bối Kinh mà Cụ trích dẫn ở trang 29.
Thế thì chúng ta nên dùng Tọa trạch để khởi Trường Sinh Phước Đức chứ đừng dùng Hướng trạch mà phạm sai lầm và nên dùng bài Môn Lầu Ngọc Bối Kinh đã chỉnh lý ở câu 4, 6, 7 để khởi Tràng Sinh Phước Đức mới đúng.

4/ Tại sao những hướng tốt như Sanh Khí, Thiên Y, Diên Niên hoặc Phục Vị có người không dùng được?

Xét đồ hình minh họa 8 trạch của Cụ Thái Kim Oanh ta thấy dưới mỗi trạch có một nhóm từ cảnh báo “kị tuổi này” nhưng Cụ không trực tiếp giải thích rõ ràng mà đâu đó trong quyển sách này Cụ cũng đã đề cập lướt qua. Theo tôi thì chúng ta chỉ cần nghiền ngẫm bài viết ở trang 20 sách Kim Oanh Ký 2 sẽ rõ. Trích nguyên văn: ”Tham, Cự, Võ, Văn vi dương tinh. Lộc, Bồ, Liêm, Phá vi âm tinh. Càn, Khảm, Cấn, Chấn vi dương cung. Tốn, Ly, Khôn Đoài vi âm cung. Cung vi nội, tinh vi ngoại, nội khắc ngoại, bán hung. Ngoại khắc nội, toàn hung. Dương tinh khắc âm cung, bất lợi nữ. Âm tinh khắc Dương cung, bất lợi Nam”.
Ở đây chúng ta không nên dùng Huyền Không Phi Tinh để giải thích mà chỉ cần bám chắc tinh ý của đoạn trích vừa rồi cũng đủ lý lẽ để giải thích được.
Minh họa bằng đồ hình trạch Khảm (nhớ là lấy hướng cửa chính như Cụ đã thuyết minh: tuổi Chấn được Thiên Y nhưng “kị tuổi này” là vì trong 8 tuổi chỉ có tuổi Chấn phối hợp với trạch Khảm được Thiên Y mà Thiên Y thuộc sao Cự Môn là dương tinh, là dương Thổ, là ở ngoài (tinh vi ngoại). trạch Khảm thuộc hành Thủy, là dương Thủy, là dương cung là ở trong (cung vi nội), là đại diện cho trung nam. Ta thấy dương tinh Cự Môn Thổ khắc dương cung Khảm Thủy cho nên toàn hung. Khảm là trung nam nên ứng hại cho con trai giữa. Vì vậy người tuổi Chấn phải kiêng kị.
- Các trạch khác cứ thế mà suy.
Xin nói thêm với các bạn rằng: ngoài cách lý luận đề cập đối với các hướng tốt, chúng ta cũng lấy cách lý luận này đối với các hướng xấu, rất ứng nghiệm. Cứ thử xem!

5/ Căn cứ vào yếu tố nào để xác định hướng cửa tốt xấu?

Hiện nay điều mà người ta quan tâm nhất và thắc mắc nhiều nhất là : Căn cứ vào yếu tố nào để xác định cửa chính của một ngôi nhà được  hướng tốt hoặc phạm hướng xấu? Trường hợp hướng nhà và hướng cửa chính khác nhau thì phương pháp chế phục như thế nào?
Bản luận về điều này chắc chán ai ai cũng thống nhất là chủ nhà! Thế nhưng chủ nhà nam hay nữ (chồng hay vợ). Tôi xin trích một số quan điểm của các vị tiền bối xác định điều này như sau:
- Theo thầy Viên Tài Hà Tấn Phát trong sách ” Bát Trạch Chánh Tông”, trang 28 có nói ( trích nguyên văn: ‘’ theo sách địa lý cũng có nói rằng ‘’nhứt gia vi trưởng, nhứt thành vi chủ’’. Chỉ có chủ nhà mới chịu ảnh hưởng của các phương hướng cái nhà đang ở. Về địa lý thì người vợ không có ảnh hưởng gì. Nhưng khi người đàn bà ở độc thân (nghĩa là không có chồng) mới lấy phương hướng riêng cho tuổi người đàn bà’’)
- Theo cụ Thái Kim Oanh trong sách Bát Trạch Minh Cảnh, trang 55 có nói ( trích nguyên văn: ‘’Đẩu linh kinh vân: phàm định phương hướng chỉ luận gia trưởng niên mạng- nhược gia trưởng một hậu (thác mất) dĩ trưởng tử sanh mạng định chi. Nhược chỉ hữu chủ mẫu đương gia, dĩ chủ mẫu vi chủ’’ (nói nôm na rằng: để định phương hướng tốt xấu thì phải lấy tuổi của chủ nhà làm chính, nếu chủ nhà thác mất thì lấy tuổi con trưởng để áp dụng. Trường hợp nhà ấy chỉ có một mình người mẹ đang ở thì lấy tuổi của người này làm chủ tính toán).
- Theo nhóm hậu học của Thẩm Trúc Nhưng trong sách Thẩm Thị Huyền Không học, trang 153 có nói (trích nguyên văn: ‘’Theo các nhà phong thủy Bát Trạch, con người có thể lựa chọn nhà ở cho vừa ý, nhưng mệnh quái của người ấy thì cố định không thể lựa chọn hay thay đổi được; vì vậy chỉ nên chọn nhà ở tương phối với mệnh quái. Lý luận của phái Bát Trạch là lấy mệnh quái của người chủ gia đình (tức người trụ cột có nguồn thu nhập chính trong gia đình) làm chuẩn’’)

Qua những trích dẫn trên chắc quý bạn cũng đã tìm được đáp án. Tôi chỉ bàn thêm một ý nữa là hường nhà và hướng cửa không trùng nhau thì sao?
Ví dụ như ngôi nhà tọa Khôn hướng Cấn nhưng đại môn (cửa chính) day về hường Tốn thì phải lấy hướng cửa làm chính, tức là lấy hướng Tốn để so với tuổi chủ nhà, từ đó xác định tốt xấu thế nào rồi mới áp dụng bài ‘’cửu tinh chế phục’’.
Hiện tại vẫn có một số thầy phong thủy dựa vào một số quan điểm của một số tác giả viết sách trôi nổi trên thị trường đã áp dụng phương pháp ‘’đàn ông hướng nhà, đàn bà hướng bếp’’ tức là muốn biết hướng nhà ấy tốt xấu như thế nào thì phải lấy mệnh quái của người chồng để so sánh, còn hướng bếp thì phài lấy mệnh quái của người vợ để so sánh.

Lập luận trên họ dựa vào câu: ‘’chủ tướng vi nguyên gia, nội tướng vi táo tòa’’. Điều này tôi thấy rất nghịch lý, bởi vì theo như ý nghĩa của bài “cửu tinh chế phục’’ đã nêu, nếu tuổi người chồng (chủ nhà) so với hướng cửa chính phạm một trong 4 hướng xấu mà lại lấy tuổi của người vợ để sửa hướng bếp cho đúng phương vị tốt để hóa giải hướng xấu cho chồng thì thật là bất ổn. Dễ thấy nhất là trường hợp chồng tuổi Tây Trạch, vợ tuổi Đông Trạch và ngược lại. ví dụ cụ thể người chồng tuổi Khôn, vợ tuổi Chấn, nhà để cửa hướng Bắc. Rõ ràng là tuổi chồng phạm Tuyệt Mạng. Muốn hóa giải Tuyệt Mạng cho chồng thì quay bếp hướng Thiên Y của vợ là hướng Khảm và vị trí đặt lò bếp theo tuổi vợ là phương Tây Nam. Quý bạn có thấy sự lộn xộn như một đống tơ vò hay không? Vậy tôi đề nghị mọi người nên bác bỏ lối lập luận này cho nhẹ cái đầu của mình.



Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

SINH CON NĂM NÀO CHO TỐT?

Câu nói sinh con năm nào cho tốt hoặc sinh con để hóa giải xung khắc hoặc sinh con năm nào cho hợp tuổi cha mẹ… Tất cả những câu nói ấy cùng một nội dung là phải tính toán làm sao khi sinh một đứa con ra đời thì sự cộng hưởng tuổi tác của nó với cha mẹ, anh em, những người cùng sống trong một nhà được tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Điều mà các bậc cha mẹ thường quan tâm nhất là sức khỏe cả nhà đều tốt, thứ đến là vấn đề kinh tế của gia đình phải vươn lên hoặc ít ra cũng phải giảm bớt những khó khăn về vật chất, công việc làm ăn không bị thất bại. Vấn đề này có rất nhiều cách lý giải khác nhau:

1/ Dựa vào ngũ hành: Người ta dùng ngũ hành nạp âm của Tuổi để phối hợp với nhau ở thế tương sanh hoặc tỵ hòa là tốt. Ví dụ: cha tuổi Đinh Mẹo (Lư Trung Hỏa), mẹ tuổi Kỷ Tỵ (Đại Lâm Mộc) thi phải sinh con năm có mạng Hỏa hoặc mạng Mộc. Nhớ là mạng của con tỵ hòa hoặc sinh cho mạng của cha, mẹ, hoặc cà 2 thì mới tốt (các bạn tự tìm trong bảng Lục Thập Hoa Giáp ắt sẽ biết). Đó là trường hợp tuổi cha, mẹ có ngũ hành nạp âm tương sanh, còn nếu bị tương khắc thì tuổi của con phải có ngũ hành nạp âm đệm vào giữa tuổi của cha mẹ để tạo một dây chuyền tương sinh. Ví dụ cha tuổi Ất Sửu (kim), mẹ tuổi Bính Dần (Hỏa) thì phải sinh con năm có ngũ hành nạp âm là Thổ để tạo dây chuyền Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim. Nhớ là tuổi của con đệm vào giữa tuổi cha - mẹ hoặc mẹ - cha mới đúng lý.

2/ Dựa vào thiên can, địa chi: Nếu một đứa con sinh ra nhằm vào những thiên can hoặc địa chi phá nhau, khắc nhau, xung nhau… thì không tốt.
- Ở thế khắc phá nhau: Giáp phá Mậu, Ất phá Quý, Bính phá Canh, Đinh phá Tân, Mậu phá Nhâm, Kỳ phá Quý, Canh phá Giáp, Tân phá Ất,  Nhâm phá Bính, Quý phá Đinh.(toàn bộ ngũ hành khắc nhau)
- Ở thế xung nhau: Tý xung Ngọ, Mẹo xung Dậu, Dần xung Thân, Tỵ xung Hợi, Thìn xung Tuất, Sửu xung Mùi.
Do đó phải tìm năm hợp:
- Tam hợp: Thân Tý Thìn, Dần Ngọ Tuất,  Tỵ Dậu Sửu, Hợi Mẹo Mùi
- Tứ sanh : Thân sinh Tý, Tỵ sinh Dậu, Dần sinh Ngọ, Hợi sinh Mẹo.
- Lục hợp: Giáp hợp kỷ, Ất hợp Canh, Bính hợp Tân, Đinh hợp Nhâm, Mậu hợp Quý.(Một dương hợp một âm, hợp số sinh thành 1-6, 2-7, 3-8, 4-9, 5-10.)
Nếu gặp trường hợp Thiên can của cha mẹ ở thế phá nhau, khắc nhau… thì cũng phải tìm thế hóa, tiết khí hoặc tương sinh như trường hợp 1 (tất cả phải quy về ngũ hành để luận: Giáp Ất Mộc, Bính Đinh Hỏa, Canh Thân Kim, Nhâm Quý Thủy, Mậu Kỷ Thổ…). Các bạn tự ví dụ suy nghiệm.

3/ Dựa vào bát quái: Ở đây chỉ lưu ý đến cung phi Bát Trạch chứ không đề cập cung sanh. Vậy có 2 nhóm:
- Đông Trạch: Khảm Chấn Ly Tốn.
- Tây Trạch: Càn Khôn Cấn Đoài.
Đông phối với Đông hoặc Tây phối với Tây thì tốt.
Đông phối với Tây hoặc Tây phối với Đông thì không tốt.
Điều này bạn nào học qua lý khí Bát Trạch ắt sẽ rõ (nghĩa là lấy mạng Trạch của con để phối hợp với mạng Trạch của cha mẹ).
Như vậy cha mẹ cùng tuổi Đông thì chọn năm Đông mà sinh con. Cha mẹ cùng tuổi Tây thì chọn năm Tây mà sinh con. Trường hợp cha Đông, mẹ Tây hoặc ngược lại thì tùy sự suy luận của chúng ta nên áp dụng như thế nào cho hợp lý là được.(hoặc hợp cha, hoặc hợp mẹ). Các bạn tự cho ví dụ.

4/ Dựa vào bàn tay Mẫu tầm Tử:
Theo cách này thì lấy tuổi của người mẹ tính tới năm sinh con tất sẽ biết tốt xấu (phương pháp rất đơn giản nhưng chưa chắc đã chính xác, cần xem lại!).
a)     Phương pháp 1:                   Nhất canh điền
                                           Nhì bĩnh bút
                                           Tam phương tiện
                                           Tứ lợi khẩu
                                           Ngũ phục dược
                                           Lục vi sư
b)     Phương pháp 2:                   Nhất hồng nhan
                                                Nhì bạc phận
                                                Tam bạc mệnh
                                                Tứ vô duyên
                                                Ngũ can quyền
                                                Lục thủ ấn
c)     Phương pháp 3:                   Nhất con Phật                      
                                                Nhì con Trời
                                                Tam con người
                                                Tứ con ta
                                                Ngũ con ma
                                                Lục con quỷ
d)     Phương pháp 4:                  Nhất an, Nhì cư, Tam lợi, Tứ hại
                                               Ngũ sát, Lục phú, Thất bại, Bát vong

Ví dụ người mẹ tuổi Kỷ Tỵ muốn sinh con vào năm Mậu Tuất 2018 được chữ gì?
- Mẹ tuổi Tỵ tính là 1, Ngọ là 2, Mùi là 3, Thân là 4, Dậu là 5, Tuất là 6: được số 6. Tra 4 phương pháp nói trên ta được chữ sư, thủ ấn, quỷ, phú. Tốt xấu tôi không luận, nhường cho các bạn tự luận (dựa vào ý từ mà luận)

5/ Dựa vào Tử Vi và Tứ Trụ: Đối với câu hỏi sinh con năm nào cho tốt, theo tôi có 2 trường hợp:
a) Tốt cho cha mẹ, tức là phải tính toán năm sinh con cho hợp với cha mẹ, giúp cho cha mẹ tốt hơn lên. Trường hợp này chưa chắc là số của con đã tốt, nếu tin tưởng thì cứ áp dụng mục 1, 2, 3, để suy đoán tổng quát, còn muốn đi sâu vào chi tiết thì không bỏ qua yếu tố Tử Vi Tứ Trụ vì 2 yếu tố này phản ánh rất cụ thể tình hình tốt xấu thịnh suy… của cha me. Nó buộc phải có sự tính toán và cân nhắc trước về giờ ngày tháng năm sinh của đứa bé, nghĩa là phải có sự chủ động của cha mẹ quyết định giờ sinh của đứa bé ấy. Điều này đã có nhiều tranh luận gắt gao là nên hoặc không nên! Tôi không bàn ở đây nữa. Các bạn tự suy nghiệm.
b) Tốt cho bản thân đứa bé: Nếu chỉ xem tổng quát thì có thể áp dụng mục 4. Sâu hơn một chút thì chọn tháng sinh thuộc ngũ hành nào cho tương sanh hoặc tỵ hòa với ngũ hành nạp âm của năm ấy, nghĩa là xem tháng sinh, vượng mà sinh con để được gọi là hợp mùa sinh tạo sự thuận lợi cho đứa bé sau này.Ví dụ: Sinh con năm Mậu Tuất 2018 thì phải sinh vào tháng 1, 2 ÂL hoặc tháng 10, 11 ÂL, bởi vì tháng 1, 2 là tháng vượng và tháng 10, 11 là tháng sinh của năm Mậu Tuất (Bình Địa Mộc). Cái cơ bản nhất cũng là việc quyết định giờ ngày tháng năm sinh cho đứa bé (như tôi vừa nêu).

 Ghi chú:
- Chúng ta áp dụng tổng hợp cả 5 phương pháp thì càng tốt, nếu không thì chỉ cần áp dụng 3 phương pháp đầu tiên cũng tạm ổn.
- Phương pháp này còn có thể dùng để xem tuổi hùn hiệp làm ăn, lập ê kip, xem tuổi xông nhà đầu năm… Chúng ta linh hoạt áp dụng. Tin hay không thì tùy các bạn!